Kinh nghiệm hay chọn mua ôtô cũ
Kinh nghiệm hay chọn mua ôtô cũ
Mua xe cũ sẽ giúp tiết kiệm được khá nhiều chi phí và được "lên đời" so với số tiền mà mình đang có. Tuy nhiên, nếu không có các mối quen biết hay có kinh nghiệm mua xe cũ sẽ thì khả năng mua phải "hàng dựng" sẽ khá cao.
Bên cạnh việc nhờ sự hỗ trợ của những người sử dụng xe lâu năm, những người có kinh nghiệm mua xe cũ thì việc trang bị những kiến thức mua xe sẽ giúp tìm được một mẫu xe cũ phù hợp.
Xe ôtô cũ giá rẻ
1/ Tìm hiểu thông tin về xe
Việc tìm hiểu thông tin về thị trường xe cũ trước khi mua rất quan trọng. Việc này giúp bạn hiểu thêm về mẫu xe bạn mua, giá cả và không bị hớ khi mua xe.
Tuy nhiên cũng nên cẩn thận với những chiếc xe có giá quá thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Có thể tình trạng của chiếc xe đó không còn tốt nữa, nên hãy kiểm tra thật cẩn thận trước khi quyết định.
Nếu may mắn bạn sẽ có một chiếc xe tốt và dành dụm được một khoản kha khá.
Có thể tìm đến các trung tâm xe đã qua sử dụng chính hãng để yên tâm hơn về mẫu xe lựa chọn cùng chính sách bảo hành. Tuy nhiên giá bán tại đây chênh lệch cao.
2/ Xác định khả năng tài chính
Bạn cần tính toán và xác định xem mình có thể bỏ ra bao nhiêu để mua một chiếc xe bao gồm cả đăng ký, bảo hiểm và đặc biệt là chi phí duy tu bảo dưỡng định kỳ, một khoản kha khá nếu đó là chiếc xe cũ.
Điều này giúp bạn tránh khỏi việc “vung tay quá trán” để rồi mua xe về sau đó phải bán tháo vì không đủ khả năng “nuôi” xe.
3/ Chọn xe theo nhu cầu
Tìm hiểu về chiếc xe dựa theo các tiêu chí như kiểu xe, hãng sản xuất, mẫu xe, năm sản xuất và giá cả để có được chiếc xe phù hợp với nhu cầu của bạn.
Khi đã ưng ý chiếc xe nào đó, hãy tìm đọc những bài đánh giá của các chuyên gia về chiếc xe đó, bạn sẽ tìm thấy đầy đủ những đánh giá về ngoại thất, nội thất, khả năng vận hành, lượng tiêu thụ nhiên liệu và các yếu tố khác để giúp bạn có quyết định cuối cùng.
Thêm nữa là hãy cập nhật tin tức về những chiếc xe mới bởi có một quy luật bất thành văn là khi có một mẫu xe mới được ra mắt thì mẫu xe tiền nhiệm ắt sẽ giảm giá, hãy chọn thời điểm thích hợp.
4/ Liên lạc với người bán xe
Đừng ngần ngại đặt ra những câu hỏi cho người bán như tuổi đời của chiếc xe, lý do bán xe, xe đã từng gặp tai nạn hay chưa, hiện trạng của chiếc xe ra sao, có mắc phải "bệnh" cố hữu nào không?
5/ Kiểm tra xe
Nếu bạn mua trực tiếp từ cá nhân nào đó, hãy đến tận nhà họ để xem xe, không nên hẹn ra một địa điểm khác để xem xe. Kiểm tra lại xem địa chỉ nhà có khớp với đăng ký xe hay không.
Lưu những thông tin về chiếc xe được rao bán như tình trạng xe, số công tơ mét để kiểm tra lúc xem xe.
Hãy tự mình kiểm toàn bộ chiếc xe. Nếu không có kinh nghiệm trong chuyện này, hãy nhờ một người quen hiểu biết về máy móc đi cùng kiểm tra, an toàn hơn nữa là đưa xe ra trung tâm sửa chữa bảo dưỡng để việc kiểm tra chính xác hơn.
Chú ý luôn kiểm tra xe vào ban ngày để tránh bỏ sót những vết lõm, xước, rỉ sét và các chi tiết khác.
6/ Lái thử xe
Trước khi khởi động, hãy thử quay vô lăng hết cỡ sang hai bên để kiểm tra vô lăng có tiếng rít, va đập hay tiếng gõ không.
Để kiểm tra phanh tay, hãy kéo phanh tay lên rồi thử nhấn nhẹ ga, nếu chiếc xe không di chuyển thì phanh tay vẫn hoạt động tốt.
Lắng nghe xem có tiếng động lạ phát ra từ động cơ không. Không nên để người bán làm bạn phân tâm bằng cách nói chuyện hoặc mở đài radio.
Thử lái xe trên nhiều kiểu địa hình.
Sử dụng nhiều cấp số và chú ý xem việc vào số có dễ dàng hay không.
Hãy chắc chắn rằng chân côn hoạt động tốt.
7/ Ngã giá
Hãy cố gắng hạ giá bằng các lỗi mà bạn phát hiện ở chiếc xe. Hỏi về giá mà người bán muốn, sau đó hạ giá bán theo ý của bạn. Có thể người bán sẽ chấp nhận cái giá bạn đưa ra hoặc đưa ra mức giá khác gần mức bạn muốn.
5 câu hỏi cần thiết khi mua xe ôtô cũ
Điều đầu tiên cần nhớ đề cao cảnh giác trước bất kỳ câu trả lời từ người bán mà bạn cảm thấy rằng nó chưa rõ ràng, quá cường điệu hoặc đi vòng vo xung quanh vấn đề được hỏi.
Mua bán xe ôtô cũ
1/ Chiếc xe có màu gì?
Đương nhiên màu xe rất quan trọng bởi vì nó thể hiện gu thẩm mỹ của người sử dụng nhưng câu hỏi này chỉ nhằm mục đích gợi mở câu chuyện. Ngay khi có câu trả lời, hãy lập tức hỏi về thân xe và mui xe. Ai chẳng quan tâm đến tình trạng bề ngoài của xe.
2/ Xe được trang bị những gì?
Hãy hỏi thật kỹ để biết chiếc xe sử dụng số tay hay số tự động, đồng thời chớ quên đề cập đến máy điều hòa không khí, hệ thống chống bó phanh, túi khí, hệ thống âm thanh, những thiết bị điều khiển điện (cửa sổ, khóa, chỗ ngồi, kính), hệ thống kiểm soát hành trình, cửa sổ mui... và những thứ tương tự.
3/ Người bán xe có phải là chủ duy nhất của xe?
Quá trình sử dụng chiếc xe trước đây là điều đáng để tâm. Nếu chiếc xe đã qua tay 3-4 chủ trong vòng khoảng 2 năm, tốt nhất là hãy tránh xa.
4/ Người bán có phải là người điều khiển xe hay không?
Bạn sẽ biết rõ hơn về chiếc xe nếu như được gặp người thường xuyên cầm lái. Nếu đó là một người đứng tuổi thì bạn có thể yên tâm hơn so với một tay thanh niên có dáng vẻ bặm trợn. Một người đàn ông là chủ xe cũng tạo sự tin tưởng hơn về việc bảo trì xe so với một phụ nữ.
5/ Quãng đường đã chạy?
Nếu như đồng hồ xe cho thấy trung bình mỗi năm chiếc xe chạy nhiều hơn 30.000 km hay thấp hơn 10.000 km, hãy hỏi tại sao. Một chiếc xe có quãng đường chạy dài hơn do người chủ sở hữu ở xa nơi làm việc, sẽ tốt hơn một chiếc xe được có quãng đường chạy ngắn hơn đôi chút nhưng lại trên nhiều hành trình khác nhau. Bạn biết rõ rằng chạy thẳng một mạch sẽ làm chiếc xe ít bị ảnh hưởng hơn so với việc thường xuyên phải dừng lại. Cũng đừng quá vui mừng khi cho rằng xe hãy còn mới vì số km đã đi rất thấp. Cần chắc chắn chưa có ai chạm tới đồng hồ cây số.
Chăm sóc ôtô thế nào cho đúng?
Luôn giữ sạch sẽ cho xế yêu, bảo dưỡng định kỳ, thay thế phụ tùng chính hãng và đừng quên kiểm tra xe định kỳ hàng năm.
Chăm sóc ôtô
1/ Hãy luôn giữ sạch
Bất kỳ ai cũng muốn ngồi vào một chiếc xe sạch sẽ, thơm tho, giữ sạch sẽ giúp bạn vừa cảm thấy thoải mái khi sử dụng vừa tốn ít tiền tu sửa lại khi muốn bán. Hãy rửa xe sau mỗi chuyến đi xa, nhất là khi đi dưới trời mưa, đường bụi, bẩn. Việc vệ sinh xe phải thực hiện cả bên ngoài xe lẫn nội thất của xe.
Nếu có điều kiện, bạn có thể mua một bộ máy bơm rửa xe với giá vài triệu đồng để có thể tự “tắm rửa” cho “xế yêu” của mình, việc này vừa thể hiện được “tình yêu” với chiếc xe, vừa giúp bạn thư giãn, cũng là cách “tập thể dục” rất tốt, nhất là với các chủ xe là dân văn phòng vốn phải ngồi cả ngày bên máy tính.
2/ Bảo dưỡng xe định kỳ
Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng xe để có thể sử dụng thành thạo các tính năng của xe, biết được lịch bảo dưỡng xe và thực hiện những yêu cầu trong đó. Điều này sẽ giúp bạn chi tiền đúng lúc, đúng chỗ, hiệu quả mà không lãng phí.
Khi bạn thay dầu, hãy chọn loại dầu tổng hợp có chất lượng tốt. Có thể chúng sẽ đắt hơn nhưng chúng lại giữ cho máy hoạt động tốt và bền hơn.
Việc thay lốp xe (vỏ xe) cũng vô cùng quan trọng, điều này không những ảnh hưởng đến khả năng vận hành của xe mà còn liên quan trực tiếp đến sự an toàn của bạn và những người thân trong gia đình bạn.
Hãy thay loại lốp có chất lượng tốt của các hãng uy tín, đúng chủng loại theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngoài ra việc thay lốp còn phụ thuộc vào số km đã đi và thời gian sử dụng của lốp.
Thông thường, theo các chuyên gia về ô tô, thời điểm thay lốp hợp lý là khoảng từ 3 vạn đến 5 vạn km, tùy điều kiện vận hành. Tuy vậy, nếu bạn đi quá ít thì không nên căn cứ vào số km, theo các chuyên gia về lốp xe, chiếc lốp xe ở điều kiện bình thường sẽ bị lão hóa sau 5 năm sử dụng, do đó, dù chưa tới ngưỡng về km nhưng nếu đi quá 5 năm thì bạn cũng nên thay lốp để bảo đảm an toàn.
Khi chiếc xe của bạn chẳng may gặp sự cố, hãy đưa xe đến ngay các gara xe uy tín và chất lượng để sửa chữa, đừng cố gắng sửa nếu bạn không thực sự am hiểu về nó vì có thể khiến xe sẽ bị hư hỏng càng nặng hơn mà thôi.
Khi đi xe chúng ta không thể tránh khỏi những va chạm làm xước mất lớp sơn bên ngoài.Cho dù là những xước sơn nhỏ bạn cũng nên nhanh chóng sơn lại ngay vì vết xước sẽ nhanh chóng lan rộng làm xe trở nên xấu xí và khiến bạn phải tốn kém khi sơn lại toàn bộ.
Một điều cũng rất quan trọng là việc kiểm tra xe định kỳ hàng năm.
Đừng đợi đến khi xe bị hỏng mới đem đi sửa chữa. Việc kiểm tra “sức khoẻ” xe định kỳ sẽ giúp ngăn ngừa và giải quyết sớm những hỏng hóc. Đây cũng là dịp để chăm chút lại săm lốp, đèn, còi, phanh và các thiết bị khác.
Khi sửa chữa, lắp đặt và thay thế phụ tùng, bạn nên đến những gara ô tô uy tín để được lắp đặt các phụ tùng chính hãng. Điều này không chỉ tốt cho xe mà còn tốt cho túi tiền của bạn, hãy nói không với các phụ tùng không rõ nguồn gốc.
Kinh nghiệm hay chọn mua ôtô cũ, 243, Chuyên trang Ôtô của MuaBanNhanh, Tiên Tiên, cộng đồng mạng xã hội Ôtô của MuaBanNhanh Xe ôtô, Đánh giá xe ôtô, Mua xe ôtô, Xe ôtô giá rẻ, Xe hơi Bốn Bánh, Ôtô cũ , 17/03/2016 13:27:36
Kinh nghiệm hay chọn mua ôtô cũ Tư vấn sử dụng
Các bài viết liên quan đến Kinh nghiệm hay chọn mua ôtô cũ , Tư vấn sử dụng
- 29/04/2019 Mua xe tải Kenbo 990kg ở đâu giá rẻ? 1174
- 28/08/2018 Tìm hiểu về chức năng O/D trên xe hơi số tự động 1193
- 13/11/2017 Hướng dẫn thay lốp ô tô 2974
- 01/04/2017 Xe ô tô 5 chỗ giữ giá tốt nhất? 4197
- 17/03/2016 Bảo dưỡng định kỳ xe ô tô - những chi tiết cần chú ý 3890
- 17/03/2016 Một số dụng cụ hữu ích và cần thiết cho người sử dụng xe ô tô 2253